Hang Ốc nằm ở phía đông nam của huyện Võ Nhai, thuộc địa phận xã Bình Long, đây là di chỉ cư trú của cư dân Bắc Sơn, có niên đại cách ngày nay 6000 - 7000 năm. Từ khi phát hiện tới nay, nhân dân địa phương gọi là Hang Ốc.
Từ đầu thế kỷ XX, một số nhà địa chất học người Pháp phát hiện những di tích đầu tiên của người tiền sử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Vào những năm 70 - 80 của thế kỷ XX các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện các loại di chỉ khảo cổ có niên đại từ trung kỳ đá cũ đến sơ kỳ thời đại đồ đá mới ( 30.000 năm đến 10.000 năm các ngày nay) như: Phiêng Tung, Ngườm, Nà Ngủm, Thắm Choong, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2,...
Năm 1998 bảo Tàng tỉnh Thái Nguyên thực hiện tổng kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh. di tích Hang Ốc được lập hồ sơ kiểm kê; thực hiện Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, di tích được lập danh mục, giao cho UBND xã Bình Long quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định.
Năm 2011, bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức điều tra thám sát một số di tích khảo cổ học ở một số xã của hai huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Kết quả điều tra cho thấy Hang Ốc lớn nhất, có hiện vật phong phú nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy đây là nơi cư trú chính của người tiền sử trên địa bàn.
Được phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong hai năm 2014 - 2015 bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Viện khảo cổ đào thám sát, khai quật khảo cổ tại Hang Ốc. Kết quả cho thấy đây là di tích khảo cổ học có giá trị của tỉnh Thái Nguyên, khẳng định từ xa xưa, nơi đây đã có môi trường sinh thái tự nhiên đa dạng phong phú, là nơi người tiền sử sinh sống trong thời gian dài.
Di tích khảo cổ học Hang Ốc nằm trong thung lũng rộng, có các dãy núi đá vôi bao quanh. Bên trong bề mặt lòng hang tương đối bằng phẳng, có một mảng trầm tích lớn ở giữa hang có dấu hiệu bị đào khoét, làm lộ ra các mảng trầm tích vàng, nâu khác nhau, cùng vỉa cuội kết bám trên cùng dày khoảng 40 -50cm. Tại đây đã phát hiện nhiều hiện vật như: di cốt người, di tích động vật, di tích thực vật, di tích đá,...
Hang Ốc là một di chỉ khảo cổ học có giá trị về nhiều mặt, mang lại số lượng hiện vật vô cùng lớn, là tư liệu quý giá để nghiên cứu về văn hóa Bắc Sơn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Việc khai quật Hang Ốc góp thêm tư liệu để nghiên cứu rõ hơn về văn hóa Bắc Sơn ở Thái Nguyên để so sánh với các di chỉ Bắc Sơn khác ở các tỉnh lân cận nhằm nêu bật lên các đặc điểm địa phương của văn hóa Bắc Sơn; trên cơ sở đó, làm rõ tính đa dạng nhưng thống nhất của văn hóa Bắc Sơn.