Không chỉ có sản phẩm trà ngon nổi tiếng, Thái Nguyên còn được các nhà khảo cổ và du khách biết đến, nơi lưu giữ chứng tích của loài người - đó là người Việt cổ ở Thần Sa (Võ Nhai). Ông Đồng Văn Lan là người địa phương luôn đau đáu mong mỏi nền văn hóa lâu đời của quê hương được gìn giữ. Từ năm 1972 đến nay, ông đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều đoàn khảo cổ học và du khách đến nghiên cứu, tìm hiểu về Khu di tích khảo cổ học Thần Sa. Ông thường xuyên có mặt ở khu rừng nguyên sinh đặc dụng Thần Sa để hướng dẫn, giới thiệu về lịch sử, cũng vừa để bảo vệ Khu di tích.
Khu di tích Thần Sa nằm ở phía Bắc của huyện Võ Nhai, cách trung tâm TP. Thái Nguyên chừng 40km. Tại đây vào năm 1972, các nhà khảo cổ học đã phát hiện, tìm ra quần thể gồm 10 di chỉ, trong đó đặc biệt là di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm. Qua 3 lần tổ chức khai quật khu vực di chỉ Mái Đá Ngườm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 3 bộ sương người Việt cổ cùng rất nhiều chứng tích, dụng cụ sản xuất thuộc các nền văn hóa: Bắc Sơn, Hòa Bình và Thần Sa.
Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm nằm kề bên dòng suối Thần sa, khi ngửa mặt lên trời chúng ta sẽ bất ngờ, choáng ngợp bởi vòm đá sừng sững, lồng lộng như mái vòm của một sân vận động khổng lồ. Mái đá cao chừng 30m, rộng khoảng 70m, ở độ cao hơn 30m so với mặt suối Thần Sa.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Khu di tích khảo cổ học Thần Sa. Trong đó, người nắm giữ nhiều thông tin quan trọng và đóng góp công sức, thời gian để gìn giữ và giới thiệu về khu di tích khảo cổ này, không ai ngoài ông Đồng Văn Lan, hiện sinh sống tại xóm Trung Sơn, xã Thần Sa. Chúng tôi gặp ông Lan vào một ngày đầu thu nhờ sự giới thiệu của chính quyền xã Thần Sa. Nhìn vóc dáng và bước chân nhanh nhẹn, vững chắc khi leo gần trăm bậc đá lên di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm thì ít ai nghĩ rằng ông đã gần 80 tuổi. Ông Lan luôn có mặt khi chính quyền, du khách và người dân mời đến giới thiệu về di tích. Khi được hỏi ý nghĩa của 72 bậc đá, ông nói: Đó là để ghi dấu mốc năm 1972, các nhà khảo cổ Việt Nam tìm thấy quần thể di chỉ Thần Sa, trong đó có di chỉ Mái Đá Ngườm này.
Chỉ vào hố đất cạnh tảng đá lớn rìa vách núi, ông Lan chậm rãi kể: Đây là hố khai quật di tích. Trước đây, các nhà khảo cổ học của Pháp là H.Mansuy và M.Colani đã đến vùng núi hoang, sông thẳm này để khảo sát, khai quật tìm những cổ vật liên quan đến sự sống, sự sinh của người tiền sử. Năm 1925, H.Mansuy và M.Colani chính thức công bố công trình đóng góp vào việc nghiên cứu tiền sử Đông Dương, trong đó đề cập đến 4 di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn được phát hiện và nghiên cứu trên đất Thái Nguyên. Đó là các di tích: Khắc Kiệm, Nghinh Tắc, Nà Ca và Ky thuộc huyện Võ Nhai. Đến năm 1972, các nhà khảo cổ học của Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và tìm ra quần thể di chỉ Thần Sa và năm 1981 thì chính thức khai quật di tích Mái Đá Ngườm. Ông Lan kể tỉ mỉ quá trình tìm kiếm và 3 lần khai quật tại di chỉ, phát hiện ra các chứng tích của 3 nền văn hóa. Ở các tầng địa chất trong hố khai quật có niên đại cách đây từ 30.000-18.000 năm (kết quả khai quật năm 1982), khoảng 70.000 năm (kết quả khai quật năm 2017). Các nhà khoa học tìm thấy các hiện vật thuộc trung kỳ đồ đá cũ. Đó là dấu tích nền văn hóa của đất nước Việt Nam đã có từ hàng vạn năm trước. Những di vật đá đặc trưng của các nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình nằm ở tầng 1, tầng 2; ở tầng thứ 3 là hàng vạn công cụ đá kiểu Phiêng Tung và Ngườm (văn hóa Thần Sa).
Rất nhiều câu hỏi về khu di tích, các di chỉ và danh thắng của Thần Sa đều được ông Lan giới thiệu cặn kẽ, chi tiết đến từng câu từng từ. Ông còn phân tích về tên gọi, ý nghĩa của các địa danh, di chỉ như: Hang Miệng Hổ có tên gọi chính xác là Phiêng Tung; thác 7 tầng có tên gọi là Nà Thềnh (ruộng trên cao).
Mọi người vô cùng cảm phục về sự am hiểu sâu sắc cùng sự tâm huyết, trách nhiệm, coi ông như cuốn biên niên sử về Thần Sa. Bà Lương Thị Duyên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi nhiều lần được làm việc với ông Đồng Văn Lan, ngay từ những ngày đầu thực hiện khảo cổ khu di tích Thần Sa. Hơn 20 năm qua là hành trình đầy miệt mài, nhiệt huyết, trách nhiệm và tận tâm của ông với công tác khảo cổ. Qua các đợt khảo cổ, cũng như các hoạt động sưu tầm hiện vật, khai thác lời kể nhân chứng, bảo tàng đã đã trao tặng ông Lan giấy ghi nhận giành cho những người cung cấp dữ liệu. Cá nhân tôi cho rằng, sự ghi nhận quan trọng nhất chính là những đóng góp của ông Lan trong việc khai quật những giá trị khảo cổ lớn ở Thần Sa đã được ghi vào lịch sử và lưu lại trong những cuốn sách để giành tặng cho muôn đời sau.
Ông Lê Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thần Sa thì chia sẻ: Là cán bộ xã nghỉ hưu, ông Đồng Văn Lan rất am hiểu về khu di tích Thần Sa. Ngay từ những ngày đầu các đoàn khảo cổ đến tìm hiểu, nghiên cứu khu di tích, ông đã thường xuyên dẫn đường, hỗ trợ công tác tìm kiếm và khai quật các di tích ở Thần Sa. Ông Lan giờ đây là người không thể thiếu mỗi khi có các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về khu di tích Thần Sa. Chúng tôi gọi ông là “Người giữ sử ở Thần Sa”.
Khi về thăm lại tỉnh Thái Nguyên, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết sử thì có thể viết nhiều lần và có nhiều người viết; nhưng điều cốt yếu và quan trọng là chúng ta phải tôn trọng sự thật lịch sử”. Câu nói đó của cố Đại tướng càng cho thấy giá trị của các di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử; chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và tôn trọng lịch sử. Cám ơn, trân quý những con người như ông Đồng Văn Lan; ông là nhân chứng lịch sử, kho tư liệu sống, cuốn biên niên sử về Thần Sa. Tạm biệt khu di tích, chúng tôi mãi nhớ về ông, với dáng đi nhanh nhẹn, chất giọng ấm cúng, cái chân chất của người đồng bào nhưng chứa đựng biết bao huyền tích của đại ngàn.
0 bình luận