Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa giá trị, Võ Nhai là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Trong những năm qua, huyện đã quan tâm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch.
Võ Nhai tự hào với 05 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng cấp Quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Trong đó đáng chú ý là Di chỉ khảo cổ Mái Ngườm (xã Thần Sa) - nơi cư trú của người Việt cổ; Dõng Là Ghè xã Liên Minh - tự hào là nơi đón Bác Hồ và Chính phủ về ở lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 10 năm 1947; khu rừng Khuôn Mánh hùng vĩ - nơi ra đời Trung đội Cứu Quốc quân II; hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà với những phong cảnh tuyệt tác; thác nước Nậm rứt, thác nước 7 tầng; Hang Ốc, Hang Huyện và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp khác.
Võ Nhai có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có ý nghĩa đặc biệt. Đáng chú ý là Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (xã Thần Sa) - nơi cư trú của người Việt cổ
Thác Nậm Rứt (thác Mưa Rơi) cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 35km, trên đường từ xã La Hiên đi vào Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa
Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng (thuộc xã Phú Thượng) với điểm nhấn là hang Phượng Hoàng và hang suối Mỏ Gà
Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng được đầu tư hơn 40 tỷ đồng với không gian sinh thái, quần thể rừng - suối - hang động đặc sắc
Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà thu hút du khách bởi không gian tươi xanh, với các hoạt động trải nghiệm phong phú. Nơi đây ẩn chứa một tiềm năng du lịch mới, độc đáo - du lịch mạo hiểm
Hang suối Mỏ Gà có tiềm năng rất lớn về du lịch mạo hiểm
Đình làng Mỏ Gà thuộc xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai - Ngôi đình cổ được xây dựng từ năm 1920, đến nay đã hơn 100 năm tuổi
Đầu năm 2023, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai được công nhận, đã tạo nên một điểm nhấn mới trong hành trình du lịch của du khách khi đến với Võ Nhai nói riêng, Thái Nguyên nói chung. Xóm Mỏ Gà có 13 hộ còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Từ năm 2019, xóm được đầu tư xây dựng, khôi phục một số nhà sàn truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách cũng có thể trải nghiệm các dịch vụ vui chơi, giải trí: Đốt lửa trại, nhảy sạp, biểu diễn hát then, đàn tính, đi cà kheo, bắn nỏ, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều... khi đến xóm Mỏ Gà
Thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hoá, lịch sử, các danh lam thắng cảnh cùng tiềm năng của đất và người Võ Nhai đến mọi miền đất nước, đặc biệt là Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn”. Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” là lễ hội văn hóa, thể thao cấp huyện, thường được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày thành lập chính quyền cách mạng huyện (21/3).
Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” năm 2023 có hoạt động nhảy sạp với 78 đôi sạp tượng trưng cho kỷ niệm 78 năm ngày thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai. Lễ hội diễn ra với các hoạt động giao lưu văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn và thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian như: kéo co, bịt mắt bắt vịt, chọi gà, tung còn, bắn nỏ…
Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Võ Nhai, góp phần xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh.
0 bình luận