0
Thành tiền:
    Thanh toán

    Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng

    Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng

    Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng trải rộng trên diện tích gần 20.000 ha trên địa bàn huyện Võ Nhai, cách TP Thái Nguyên khoảng 30km về phía đông bắc, đây là một quần thể núi non, hang động hùng vĩ, hệ thống động, thực vật đa dạng, phong phú. Trong khu vực này, còn có các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, đồng bào dân tộc thiểu số thân thiện, những nét văn hoá đặc sắc cho nên có tiềm năng lớn phát triển du lịch.

    Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng               

    Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng là khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên trên núi đá vôi còn sót lại rộng lớn nhất, là “lá phổi xanh” khổng lồ còn sót lại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nhờ được quản lý, bảo vệ có hiệu quả trong những năm gần đây bởi Ban Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên nên hệ sinh thái động vật, thực vật ngày càng đa dạng, phong phú.

    Dưới tán rừng trùng điệp xanh mướt, trải rộng tít tắp là những dãy núi đá vôi, thung lũng, hang động, thác nước vùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ. Tại đây, các nhà khảo cổ phát hiện Mái Đá Ngườm nổi tiếng, nơi người tiền sử sinh sống cách đây khoảng 30 nghìn năm, đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Đồng bào các dân tộc Tày, H’Mông, Dao sinh sống trong các làng, bản thật thà, thân thiện, những nét văn hóa truyền thống được bảo tồn nên cả Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá.

    Đến nay, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng đã bước đầu hình thành tua, điểm du lịch được du khách biết đến. Từ quốc lộ 1B, theo đường ĐT271 du khách tham quan, khám phá hố khai quật tại Mái Đá Ngườm với những tầng văn hóa từ xa xưa để mường tượng lối sống hoang dã, sơ khai của người tiền sử cách đây 30 nghìn năm. Từ đây, du khách đến với thác Bẩy Tầng để hòa mình với nước non trong xanh, hùng vĩ dưới tán rừng mát mẻ.

    Thác Bẩy Tầng, một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách 

    Cách thác Bẩy Tầng không xa, là địa chỉ tâm linh với cụm đình, đền, chùa Bản Ná được trùng tu, tôn tạo công phu, kế đó là khu dân cư Bản Ná đang được hình thành với những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được quy hoạch, xây dựng ngăn nắp, sạch đẹp, lối sống dung dị, thân thiện của đồng bào.

    Trở ra quốc lộ 1B, ngược lên phía trung tâm huyện Võ Nhai, là thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà, vào mùa hè suối Mỏ Gà với hệ thống hang động nguyên sơ như một tủ lạnh khổng lồ hấp dẫn du khách muôn phương. Tại đây, đã hình thành khu du lịch với các dịch vụ, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách.


    Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm, nơi người tiền sử từng sinh sống cách đây 30 nghìn năm

    Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên ông Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ: Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng là quần thể rừng tự nhiên trên núi đá vôi, có địa hình đồi núi, hang động, thác nước, di sản, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào hòa quyện tạo ra không gian có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và văn hóa. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng giai đoạn 2021-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    Khi hạ tầng du lịch Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng được đầu tư một cách bài bản, giá trị cảnh quan, thiên nhiên, lịch sử, văn hóa sẽ được đánh thức, hấp dẫn khách du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm, là động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

    0 bình luận

    Viết bình luận của bạn