0
Thành tiền:
    Thanh toán

    Võ Nhai - Những thời khắc lịch sử

    Võ Nhai - Những thời khắc lịch sử

    Với lịch sử phát triển lâu đời - nơi những cộng đồng người Việt cổ đầu tiên định cư, Võ Nhai tự hào là mảnh đất cội nguồn, mang đậm những dấu ấn trong văn hóa truyền thống và lịch sử dựng nước, lịch sử cách mạng Việt Nam... Bằng sự nỗ lực đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, Võ Nhai đang phấn đấu khơi dậy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

    Theo “Cương mục” của sử thần triều Nguyễn ghi chép thì: “Vạn Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên. Xưa gọi là châu Vạn Nhai; nhà Lý gọi là Vạn Nhai; khi thuộc Minh gọi là Vũ Lễ; nhà Lê gọi là Vũ Nhai, tức là châu Vũ Nhai ngày nay”. Có thể thấy, vùng đất này đã hình thành từ khá sớm cùng với lịch sử dựng nước của dân tộc. Đến đời Lê Thuận Thiên (Tức từ năm 1428 đến 1433), có tên gọi là Châu Vũ Nhai, thuộc Phủ Phú Bình. Đến năm Minh Mệnh thứ 16 (Tức năm 1836), huyện Võ Nhai gồm 8 tổng và 29 xã, trại, bao gồm cả vùng đất thuộc huyện Bắc Sơn (Tỉnh Lạng Sơn).

    Truyền thống đoàn kết, yêu nước bất khuất của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai được đúc kết từ truyền thống dựng làng, giữ bản đã trải qua bao đời. Truyền thống ấy đã đưa mảnh đất này đến với ánh sáng cách mạng rất sớm. Năm 1937, tại Phú Thượng, tổ chức Đảng đầu tiên của huyện đã được thành lập, phong trào cách mạng lan nhanh ra khắp huyện.

    Võ Nhai nằm tiếp giáp với huyện Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn, có nhiều nét tương đồng về địa hình, địa lý, đặc điểm khí hậu, dân cư... có nhiều hoạt động liên quan trong quản lý hành chính, giao thương và sinh hoạt của nhân dân. Sau khi tổ chức Đảng ra đời, phong trào cách mạng tại Bắc Sơn - Võ Nhai càng được gắn kết chặt chẽ với nhau và với các địa bàn lân cận.

    Đêm 27/09/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Cuộc khởi nghĩa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của tổ chức Đảng và nhân dân Võ Nhai. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, thông qua diễn biến của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, phong trào cách mạng được đẩy mạnh thêm một bước. Du kích Bắc Sơn sau này phát triển thành Trung đội Cứu quốc quân 1 với nhiều yếu nhân là con em đồng bào các dân tộc Võ Nhai. Khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai dần được hình thành với trung tâm là vùng rừng núi thuộc châu Bắc Sơn và các xã Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá thuộc châu Võ Nhai. Từ đây, cơ sở Đảng và nhân dân Võ Nhai gánh vác một trách nhiệm nặng nề và vẻ vang: Bảo vệ và phát triển một trong hai căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta: Căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.

    Thực dân Pháp ra sức đàn áp, mở nhiều cuộc bao vây càn quét lớn vào căn cứ. Vùng trung tâm của Cứu quốc quân liên tục bị tấn công, cơ sở quần chúng bị phá vỡ. Nhân dân Võ Nhai vừa đấu tranh chống địch khủng bố, vừa bảo vệ an toàn các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng tại cơ quan bí mật ở Núi Lều, xã Tráng Xá. Bất chấp các cuộc đàn áp, khủng bố của địch, các lớp huấn luyện vẫn được mở thường xuyên tại Bán Bàng, Núi Lều (Tràng Xá); Các tổ công tác vẫn bí mật trở về các bản, động viên và hướng dẫn quần chúng đấu tranh; Các tổ chức Cứu quốc vẫn phát triển mạnh mẽ, bổ sung thêm nhiều thành viên trung kiên...


    Đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Cứu Quốc quân II, giao cờ và nhiệm vụ cho Đội

    Một ngày mùa thu năm 1941, ngày 15/09, dưới tán rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, châu Võ Nhai, một buổi lễ long trọng đã được tổ chức, đánh dấu sự ra đời của một đội quân cách mạng: Đệ nhị trung đội Cứu quốc quân. Đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên của Thái Nguyên với 36 cán bộ, chiến sĩ với mục tiêu hết sức quan trọng là: Duy trì tiếng súng đấu tranh để cổ vũ phong trào cách mạng toàn quốc. Từ Tràng Xá, ngọn lửa thiêng Cứu quốc quân II đã thổi bùng lên cơn bão lửa, làm nên những trận đánh vang dội, khiến thực dân Pháp phải khiếp đảm khi nhắc đến: Những con hùm xám Võ Nhai.

    Và đội quân chỉ có 36 chiến sỹ với trang bị thiếu thốn, thô sơ ấy đã khiến địch sợ hãi ngay từ trận đầu. Một ngày sau khi thành lập, Cứu quốc quân II đã ra quân trận đầu, phục kích tại đèo Bắp diệt tên Đức Phú - tay sai đắc lực của giặc Pháp. Chiến thắng đầu tiên đã cổ vũ tinh thần lớn lao cho toàn đội tiếp tục giành thêm những trận thắng mới. Những địa danh: Khuôn Kẹn, Khuôn Ba, Khuôn Đã, Khuôn Xóm, đèo Mỏ Mủng, Suối Bùn... đều ghi dấu những chiến công của đội, mà trận nào cũng giòn dã, đập tan các cuộc càn quét của địch. Không ít trận, ta tổ chức đánh địch dũng cảm, khiến chúng hết sức hoang mang.

    Hội nghị Trung ương VIII đã quyết định lấy Việt Bắc làm căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Xây dựng những con đường quần chúng” nối liền các trung tâm căn cứ trong lòng Việt Bắc, phát huy vị trí và địa thế chiến lược của Thái Nguyên, một bàn đạp để tiến về đồng bằng Bắc Bộ.

    Dựa vào những cơ sở cũ, các tổ công tác Cứu quốc quân nhanh chóng phát triển phong trào Việt Minh, phong trào tự vệ thành làn sóng mạnh mẽ. Vùng Đại Từ - Định Hóa - Sơn Dương... dần trở thành một trung tâm căn cứ mới của Cứu quốc quân, tạo cơ sở tiền đề hình thành Chiến khu Hoàng Hoa Thám.

    Đêm ngày 09/03/1945, phát xít Nhật nổ súng, lật đổ quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.


    Cứu quốc quân II đang hội ý, rút kinh nghiệm sau trận đánh địch ở đèo Bắp, suối Bùn

    Tại Võ Nhai, ngay đêm 11/03/1945, Ban chỉ huy Cứu quốc quân và Chi bộ Đảng Võ Nhai đã họp phân tích tình hình và quyết định: Một mặt, cấp tốc xin chỉ thị Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ; mặt khác, cán bộ, chiến sỹ Cứu quốc quân gấp rút biên chế lại đội ngũ, tổ chức thành lực lượng bao vây đồn Đình Cả và phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa. Cơn bão lửa đã nổi lên. 16h ngày 12/03/1945, Cứu quốc quân tiến về bao vây phố Đình Cả. Cuộc chiến đấu diễn ra trong gần chục ngày là cuộc đọ sức chính diện và táo bạo của Cứu quốc quân II và quần chúng cách mạng với kẻ thù. Sáng 21/03/1945, quân địch đầu hàng. Châu lỵ La Hiên được giải phóng, hàng ngàn người dân cùng lực lượng vũ trang cách mạng Võ Nhai đổ về La Hiên chứng kiến Lễ ra mắt của UBND cách mạng lâm thời châu Võ Nhai. Võ Nhai là địa phương sớm nhất ở Thái Nguyên thành lập chính quyền cách mạng cấp châu.

    Cuộc kháng chiến chống Mỹ tiếp tục kéo dài những gian nan, bi tráng, song cũng rất anh hùng của mảnh đất thép Võ Nhai, Thái Nguyên. Quân và dân Võ Nhai đã góp phần quan trọng đảm bảo giao thông trên quốc lộ 1B - đoạn qua Võ Nhai thông suốt, giữ vững tuyến huyết mạch chi viện chiến trường miền Nam. Các chuyến hàng quân sự chuyển về được nhân dân Võ Nhai tiếp nhận, bảo vệ an toàn tại các khu vực lán trại, kho chứa tại các xã Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên... Những bà mẹ Võ Nhai đã tiễn hàng ngàn người con ưu tú đã lên đường chiến đấu. Rất nhiều người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Tất cả đã tô thắm trang sử của mảnh đất Anh hùng.

    Đất nước đã đi qua những chặng đường lịch sử vẻ vang, trong đó có trang sử Võ Nhai với những thời khắc lịch sử thiêng liêng và oai hùng. Núi rừng Võ Nhai như vẫn âm vang khí thế của mùa thu năm nào, khi những người chiến sĩ Cứu quốc quân ưu tú cùng hô vang 5 lời thề danh dự. Từ Võ Nhai, dưới sự soi sáng của Đảng, ngọn lửa Cứu quốc quân đã góp phần đã thổi bùng lên ý chí và phong trào đấu tranh khắp một dải các tỉnh Việt Bắc. Trên con đường đi tới, trang sử tự hào của đất và người Võ Nhai, cùng thành tựu và những bài học đúc kết từ thực tiễn vừa là hành trang, vừa là nguồn lực quý báu động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Võ Nhai tiếp tục đổi mới và tiến bước./.

    0 bình luận

    Viết bình luận của bạn