0
Thành tiền:
    Thanh toán

    Võ Nhai tập trung khống chế dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

    Võ Nhai tập trung khống chế dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

    Sau gần 2 tháng phát hiện gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC), tái phát trở lại, bằng nhiều giải pháp cụ thể, huyện Võ Nhai đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Số lượng gia súc nhiễm mới đã không còn tăng mạnh và đã có hàng chục con gia súc được chữa khỏi triệu chứng bệnh.

    Những tuần gần đây, số lượng trâu bò phát hiện mắc hoặc nghi mắc VDNC trên địa bàn huyện Võ Nhai giảm mạnh, chỉ còn lác đác phát hiện tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng xã Tràng Xá đã qua hơn 3 tuần không phát hiện thêm gia súc mắc hoặc nghi mắc VDNC, mặc dù địa phương này có tổng đàn gia súc nhiều nhất huyện với gần 1,1 nghìn con. Tính đến nay, toàn xã Tràng Xá mới chỉ có 22 con trâu bò mắc bệnh trong đó có tới 19 con khỏi bệnh.

    Gia đình nhà ông Chu Văn Tiến ở xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá nuôi 11 con bò (trong đó có 6 con bò lai giống 3B và 5 bò cái giống lai sind sinh sản). Cuối tháng 4-2021, ông Tiến phát hiện 3 con bò nuôi của nhà phát bệnh VDNC. Sau khi báo với xóm, xã, ông Tiến đã được cán bộ thú y xã hỗ trợ tiêm thuốc điều trị và cung cấp vật tư, hóa chất để ông vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại. Đến nay, toàn bộ 3 con bò mắc VDNC của ông tiến đã khỏi hoàn toàn các triệu chứng VDNC và sinh trưởng bình thường. Ông Tiến cho biết: Tôi đã thực hiện cách ly số gia súc nhiễm bệnh, đồng thời tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của cán bộ thú y xã về quy trình tiêm cho bò nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, tôi cũng tiêu trùng, khử khuẩn toàn bộ khu vực chuồng trại nên đã bảo đảm an toàn cho cả đàn bò của gia đình.

    Ông Chu Văn Tiến, xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá rắc vôi bột xung quanh chuồng bò để khử khuẩn

    Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: Hiện toàn xã Tràng Xá có tổng đàn trâu, bò trên 1.000 con, trong đó trâu 680, bò 380 con. Ngay khi phát hiện bệnh VDNC vào cuối tháng 4-2021, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với xã tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tại các hộ có gia súc mắc bệnh và vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. UBND xã cũng đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng mua thêm vôi bột, thuốc diệt côn trùng để cấp phát cho hộ chăn nuôi, đồng thời tổ chức tiêm phòng cho hơn 500 con trâu bò trong xã. Vì vậy, chỉ sau gần 2 tuần phát hiện dịch, xã Tràng Xá đã cơ bản dập dịch thành công và đến nay đã qua 3 tuần không phát hiện thêm gia súc mắc bệnh.

    Tương tự Tràng Xá, hầu hết các xã, thị trấn trong toàn huyện đều triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Ông Tạ Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Ngay khi có dịch VDNC xảy ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã xuất 2,2 nghìn lít thuốc sát khuẩn và 148 lít hóa chất diệt côn trùng, phối hợp với các địa phương tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc nhiễm bệnh và khu vực nguy cơ cao, đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách ly để điều trị gia súc nhiễm bệnh, không chăn thả trâu, bò. Song song với đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin phòng VDNC trên gia súc trên địa bàn các xã trong huyện để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

    Từ các giải pháp tích cực, chủ động, huyện Võ Nhai đã kiểm soát tốt dịch bệnh VDNC trên địa bàn. Tính đến nay, toàn huyện có 399 trong tổng số trên 8,8 nghìn con trâu, bò của các hộ chăn nuôi mắc bệnh VDNC tại 15 xã, thị trấn. Số lượng gia súc mới mắc bệnh từ đầu tháng 5 trở lại đây đã giảm mạnh từ vài chục con xuống còn từ 5-7 con mỗi tuần. Huyện đã triển khai tiêm phòng cho trên 4 nghìn con gia súc trên địa bàn, đồng thời đã có hàng chục con gia súc mắc VDNC trên địa bàn được chữa khỏi bệnh. Đối với trên 20 con gia súc chết vì VDNC, các địa phương đã tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định về phòng, chống dịch.

    Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống dịch có hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không chủ quan trước dịch bệnh, đồng thời chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý ổ dịch dứt điểm khi mới được phát hiện. Đặc biệt là đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin VDNC của gia súc, với mục tiêu tiêm phòng đạt 80% tổng đàn gia súc trên địa bàn, để tạo hàng rào miễn dịch chủ động, qua đó phòng dịch hiệu quả hơn.

    0 bình luận

    Viết bình luận của bạn