Khu Lân Chiêu là 1 trong 4 tổ của xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) hiện có 28 hộ với hơn 100 nhân khẩu là người dân tộc Mông, di cư từ hai huyện Hà Quảng và Trà Lĩnh của tỉnh Cao Bằng về định cư từ năm 2000. Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của người dân và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của bà con đã có nhiều khởi sắc.
Khu người Mông Lân Chiêu nằm trong thung lũng nhỏ dưới chân núi Mỏ Vùng. Trên đường vào Lân Chiêu, chúng tôi thấy hai bên đường nhiều ngôi nhà đang được xây mới, nhà lũ trẻ hồn nhiên nô đùa. Trên những ruộng ngô, bãi cỏ voi xanh rì người dân hăng say lao động. Trong ngôi nhà cấp 4 mới xây, Tổ trưởng khu Lân Chiêu anh Ngô Văn Vàng kể cho chúng tôi về những ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất này, anh bảo: Khi mới chuyển về đây, chúng tôi gặp nhiều khó khăn: Cách Uỷ ban xã chỉ hơn 1 cây số, nhưng đường vào xóm trước đây nhỏ hẹp lại phải băng qua suối Bến Tắm với nhiều chỗ sâu nên chúng tôi như bị cô lập với bên ngoài. Nhà cửa, ruộng nương không có, nhiều người nói tiếng kinh chưa sõi, chưa biết mặt chữ nên khó nói chuyện với người bản địa cũng như khi giao dịch với chính quyền địa phương.
Để việc đi lại thuận tiện, khi mới chuyển về đây sinh sống, người Mông Lân Chiêu bảo nhau bỏ tiền mua cát, đá về tự kè hai bên, rải cấp phối con đường 600m trong vòng 4 năm mới xong. Năm 2018, cầu Bến Tắm bắc qua suối được xây dựng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ trong khu đối ứng 1 triệu đồng để làm đường bê tông dài gần 500m.
Cùng với việc mở rộng đường, bà con sớm bắt tay vào sản xuất, ổn định cuộc sống. Toàn bộ số tiền dành dụm được từ trước khi chuyển về đây đều được bà con mua đất làm nhà và ruộng sản xuất. Trung bình mỗi hộ có từ 5 sào đến hơn 1 mẫu ruộng. Với mong muốn sản xuất mang lại hiệu quả, bà con tập trung cấy lúa, trồng ngô xen lẫn hoa màu như bí đỏ, rau các loại... Chăn nuôi trâu, bò được bà con đặc biệt quan tâm, gia đình nào cũng chăn từ 2-5 con trâu, bò. Đặc biệt, để tiếp sức cho đồng bào, chính quyền địa phương và Nhà nước có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ.
Khi thấy nhiều người chưa biết chữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với Đoàn thanh niên xã và Trường Tiểu học Lâu Thượng mở lớp xóa mù cho 20 người. Đến nay, 100% người dân trong khu đã biết chữ, viết được họ tên mình. Cùng với đó, bà con được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm có từ 2-3 hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền mỗi đợt 30-50 triệu đồng/hộ. Từ số tiền này, các hộ đầu tư mua trâu, bò, trồng cỏ, giống vật nuôi, cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, mua máy mày cày, máy cắt cỏ… Ngoài ra, bà con cũng được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nên đã tích cực đưa các giống lúa, ngô mới, năng suất cao về trồng. Nhờ đó, năng suất cây trồng tăng lên rất nhiều so với những năm trước đây. Anh Vàng ví dụ: Nếu 1 sào lúa trước chỉ thu được 3 bao thóc thì giờ được 5-6 bao. Nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, từ 100% hộ nghèo đến nay khu chỉ còn 13/28 hộ nghèo.
Một trong những hộ đã thoát nghèo của khu Lân Chiêu này là gia đình anh Vàng. Anh cho biết: Ngày đó, tôi bán 2 con bò ở quê được 12 triệu đồng để mua 3 sào đất, sau đó tích cóp mua thêm được 3 sào nữa. Nhà có 6 người (vợ chồng anh và 4 đứa con) chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng. Một năm tôi trồng 2 vụ lúa, 1 vụ ngô xen canh trồng bí đỏ, nuôi thêm 2 con bò và chăn gà nên cái ăn, cái mặc được cải thiện rất nhiều. Không chỉ xây được nhà, vợ chồng tôi còn nuôi 4 đứa con ăn học, trong đó con gái đầu đang học Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Nguyên.
Người giàu nhất trong khu là gia đình anh Ngô Văn Máy. Anh Máy bảo để có được cuộc sống no đủ như hôm nay, tôi đã trải qua nhiều nghề như đi buôn, nuôi lợn nái, nuôi bò... Sau vài năm dành dụm, tôi mua được 2 mẫu ruộng để trồng lúa, ngô. Gia đình tôi giờ không thiếu thứ gì: Nhà mới, ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh, xe máy, ô tô… Trước khi ra về anh còn khoe với chúng tôi đang có vườn quýt 700 gốc đã cho thu hoạch được một vụ. Không chỉ gia đình anh Vàng khu Lân Chiêu còn có nhiều gia đình kinh tế khá như gia đình anh Dương Văn Phòng, anh Ngô Văn Lý…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng xóm La Mạ cho biết: Nhờ sự nỗ lực của người dân và hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của bà con được nâng lên, sự học của con em được chú trọng hơn. 100% trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường, có trên 10 em học hết cấp 3, học chuyên nghiệp. Mong muốn lớn nhất của bà con hiện nay là được địa phương quan tâm, kè lại đoạn bên trong cầu Suối Tắm. Chỗ đó đúng điểm xoáy của dòng nước, bà con đã tự kè nhiều lần nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chúng tôi hy vọng mong muốn của người Mông Lân Chiêu sớm thành hiện thực để tiếp tục tạo động lực cho bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo.
0 bình luận